
6 ĐIỀU CẦN CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI MANG THAI MÀ TẤT CẢ MẸ TƯƠNG LAI ĐỀU PHẢI BIẾT
Mang thai là một cột mốc quan trọng, cần có sự chuẩn bị kỹ càng của các bà mẹ tương lai và cả gia đình. Bỏ túi ngay 6 điều không thể bỏ qua trước khi quyết định chào đón thành viên mới của cả gia đình bạn nhé!
Mang thai là một quyết định quan trọng và cần nhiều sự chuẩn bị. Để ba mẹ có kế hoạch chào đón thiên thần nhỏ tốt nhất, Mom Citi gợi ý danh sách 6 điều cần chuẩn bị trước khi mang thai, ba mẹ lưu ý nhé!
1. Kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai
Bạn nên bắt đầu với việc khám tiền sản để các bác sĩ tìm hiểu về tiền sử bệnh của vợ chồng và cả hai bên gia đình cũng như các loại thuốc mà bạn và anh xã đang sử dụng. Để tăng cơ hội thụ thai, bạn có thể được chỉ định ngưng một số loại thuốc.
Ít nhất 3 tháng trước khi mang thai, bạn cũng được khuyến khích tiêm phòng cúm, rubella, sởi, quai bị, thuỷ đậu… Khám tiền sản cũng giúp phát hiện những bất thường về sức khỏe để có thể điều trị kịp thời và kiểm soát trước khi mang thai.
- Trước khi có ý định mang thai, bạn nên khám và điều trị triệt để các vấn đề về răng miệng vì nội tiết tố gia tăng khi mang thai có thể khiến răng và nướu nhạy cảm hơn.
- Những trường hợp mẹ bị đái tháo đường trước khi mang thai cần được thăm khám và kiểm soát tốt, cũng như có sự tư vấn về dinh dưỡng và thuốc trong suốt thai kỳ
- Nếu bị tăng huyết áp, bạn cần được sự tham vấn và theo dõi của bác sĩ trong suốt thời gian mang thai. Tăng huyết áp có thể dẫn đến những ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ mẹ và em bé trong bụng nếu không được kiểm soát kịp thời.
- Bệnh thiếu máu có thể ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, nếu bị thiếu máu, bạn có thể sẽ được chỉ định bổ sung sắt trước khi mang thai ít nhất 1 tháng.
- Các bệnh về nội tiết, tim mạch, tuyến giáp, bệnh lây qua đường tình dục, u vú, u xơ, u nang… cần được xử lý và điều trị kịp thời để bảo đảm mẹ tương lai có một sức khỏe tốt nhất chuẩn bị chào đón bé con.

2. Dinh dưỡng khoa học, giữ cơ thể khỏe mạnh
Một chế độ ăn uống đúng, đủ, và lành mạnh không chỉ giúp chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh mà còn góp phần tăng khả năng thụ thai.
Bạn nên ăn cân đối và đa dạng 4 nhóm thực phẩm chính là đạm, tinh bột, vitamin và khoáng chất trong khẩu phần ăn hàng ngày. Các mẹ bầu tương lai cũng nên bổ sung sữa và sữa chua để đảm bảo đầy đủ dưỡng chất. Ngoài ra, bạn cũng nên tăng cường các nhóm chất dinh dưỡng quan trọng như:
- Sắt và axit folic: Bổ sung sắt và axit folic ít nhất 1 tháng trước khi mang thai sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu và các dị tật ống thần kinh cho trẻ.
- Omega 3: Xuất hiện nhiều trong các loại cá, các loại hạt và các thực phẩm bổ sung DHA và omega 3, chất béo omega 3 có thể giúp tăng cường khả năng thụ thai và hỗ trợ sự phát triển trí não của thai nhi.
- Canxi: Bạn nên tăng cường bổ sung thực phẩm giàu canxi trong sữa, sữa chua, phô mai, các loại cá, hải sản… vào khẩu phần dinh dưỡng trước và trong khi thai kỳ.
- Vitamin E: Đây là loại vitamin giúp tăng cường khả năng thụ thai và thường có nhiều trong các loại thực phẩm như đậu, vừng, các loại hạt nảy mầm…

3. “Tạm biệt” những thói quen có hại
Thuốc lá, rượu bia, thậm chí cà phê đều có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thai nhi. Chưa kể, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy sự ảnh hưởng xấu của việc hút thuốc đối với khả năng sinh sản của nam giới. Thậm chí, hút thuốc thụ động cũng có thể gây tác động xấu đến chất lượng trứng và tinh trùng, tăng nguy cơ dị tật, sinh non… Vì vậy, ngay từ khi có ý định mang thai, các chuyên gia khuyến cáo bạn và anh xã nên giảm dần và ngưng hẳn những thói quen có hại.
4. Xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh
Bên cạnh một chế độ dinh dưỡng cân bằng, duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh cũng là một trong những điều quan trọng cần chuẩn bị trước khi mang thai. Bạn nên duy trì lối sống năng động, thường xuyên tập thể dục, chú ý nghỉ ngơi hợp lý và giữ cho tinh thần luôn thoải mái.
Trong giai đoạn chuẩn bị mang thai, bạn nên hạn chế tiếp xúc với những môi trường có các chất độc hại. Bạn cũng nên hạn chế tiếp xúc với các loại hoá chất khi làm đẹp như thuốc nhuộm tóc, sơn móng tay, kem trị mụn… Những loại hoá chất này có các độc tố ảnh hưởng đến quá trình thụ thai và sự phát triển của thai nhi.
5. Kiểm soát cân nặng
Duy trì cân nặng ở mức lý tưởng với chỉ số BMI từ 18,5 – 22,9 là lời khuyên để có một sức khỏe tốt. Điều này càng quan trọng hơn nếu bạn đang có kế hoạch mang thai vì chỉ số BMI cao sẽ khiến mẹ bầu dễ gặp các biến chứng trong quá trình mang thai và sinh nở. bạn có thể tự tính BMI theo công thức: cân nặng/ (chiều cao*chiều cao).
Nếu đang nằm trong dạng thừa cân, bạn nên tăng thời gian vận động lên từ 30-60 phút/ ngày để cân nặng duy trì ở mức lý tưởng. Bạn cũng nên giảm ¼ khẩu phần cơm mỗi ngày, tăng cường rau xanh, trái cây và hạn chế ăn thực phẩm ngọt, béo. Lưu ý là dù thừa cân nhưng bạn cũng không nên nhịn ăn mà cần ăn đủ 3 bữa/ ngày và không ăn sau 8 giờ tối. Ngoài ra bạn cũng cần quan tâm đến chất lượng giấc ngủ bằng cách: ngủ đủ giấc và hạn chế ngủ trễ sau 10 giờ.
Với những bạn đang thiếu cân, nên tăng cường chất béo, bột đường và đạm trong khẩu phần ăn. Bạn có thể tăng số lượng bữa ăn hoặc số lượng thức ăn trong một bữa, bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và năng lượng hơn, Đừng quên uống thêm 2-3 ly sữa/ ngày, ăn sữa chua, phô mai trong các bữa xế để vừa đảm bảo đủ dinh dưỡng, vừa tăng cường dưỡng chất cho cơ thể. Bạn cũng nên tham khảo bác sĩ để có các lời khuyên dinh dưỡng phù hợp.

6. Chuẩn bị tâm lý trước khi mang thai
Ngoài các vấn đề sinh lý, tâm lý cũng là một trong những điều quan trọng cần chuẩn bị trước khi mang thai. Nhiều mẹ tương lai thường lo lắng, căng thẳng trước khi mang thai vì đây là một quyết định lớn của cả gia đình. Điều này tuy phổ biến nhưng cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ, tâm lý, và nhất là khả năng thụ thai.
Một số câu hỏi bạn có thể cùng anh xã thảo luận trước khi lên kế hoạch mang thai như:
- Đây có phải là thời điểm tốt cho cả hai vợ chồng để có con?
- Bạn đã sẵn sàng gánh vác trách nhiệm làm cha, làm mẹ?
- Bạn có thể cân bằng giữa công việc và gia đình?
Người “mang nặng 9 tháng” là bạn, nhưng anh xã cũng là một nhân tố quan trọng trong hành trình sắp tới. Quan trọng là cả hai vợ chồng phải thống nhất với nhau về quan điểm và cùng nhau chia sẻ những mong đợi của mình trước khi bắt đầu thai kỳ.
Bên cạnh đó, hãy cố giữ tâm trạng thoải mái bằng các phương pháp yoga, thiền, hoặc tìm thêm vài sở thích nho nhỏ để thư giãn mỗi ngày bạn nhé!
Với những chia sẻ trên đây, hy vọng các bà mẹ tương lai sẽ chuẩn bị được hành trang tốt nhất cho cột mốc quan trọng sắp tới.